Tuy nhiên, các chuyên gia thủy sản khuyến cáo phải thận trọng bởi theo kết quả kiểm tra vừa được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội công bố, có mẫu cá tầm được lấy tại các chợ trên địa bàn Thủ đô có nhiễm chất kháng sinh bị cấm Leuco Malachite.
Ngoài vấn đề về chất lượng có độc tố, về chênh lệch giá, những con cá tầm “láng giềng” bơi ngoài chợ gây thiệt hại của người chăn nuôi, người tiêu dùng trong nước và cho thấy cách ứng xử của các cơ quan chức năng có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hàng lậu còn nhiều điều cần nói.
Cơ quan chức năng có biết tình trạng buôn lậu qua biên giới vào đến tận Thủ đô hay không? Chắc chắn biết. Nếu như con gà lậu với điểm tập kết Hà Vỹ đã “nổi tiếng” vì được nói đến quá nhiều thời gian trước, nay con cá lậu cũng có nơi “hò hẹn” là chợ đầu mối Yên Sở.
Siêu hơn nữa đã diễn ra tình trạng “quân ta hại quân mình” khi cá tầm nhập lậu đã trà trộn qua các “ao cá nhà” được cấp phép chăn nuôi giống cá tầm Trung Quốc để tạo vỏ bọc hợp thức hóa thành cá tầm Việt Nam trước khi bán tràn lan trên thị trường từ Bắc vào Nam. Con cá tầm Việt Nam đã không cạnh tranh được với “cá ngoại” ngay trên ao nhà mình. Và trong khi ta còn đang định hướng, thử nghiệm phát triển đàn cá tầm giống cá tầm có giá trị cao của Nga, châu Âu nuôi để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu thì cá tầm Trung Quốc nhập lậu đội lốt thương hiệu cá tầm Việt Nam đã xâm chiếm thị trường. Tình trạng này vừa khiến chúng ta bị thiệt hại nặng vì thất thoát thuế, vừa gây ra những nguy cơ mất an toàn thực phẩm do hàng lậu. Chuyện “thật như bịa” là có những trang trại tuy ao nuôi chỉ rộng vài trăm mét vuông nhưng vẫn đàng hoàng xuất bán hàng trăm tấn cá tầm mỗi năm với đầy đủ giấy tờ, chứng từ hợp pháp… Không chỉ thế, với lợi nhuận cao, có nhà buôn còn sẵn sàng cho cá tầm nhập lậu “vi vu” máy bay đến nơi tiêu thụ.
Chính sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhập lậu cá tầm và nhiều loại sản phẩm nông, thủy sản khác như gà, cá quả, khoai tây, gia vị hành tỏi… trong thời gian qua gia tăng. Đến nay, hàng chục tấn cá tầm nhập lậu vẫn hàng ngày “bơi” vào thị trường Việt Nam, chúng ta có rất nhiều ngành quản lý như những lưới chắn, nhưng không ngăn được con cá tầm nhập lậu không qua bất kỳ một quy trình kiểm dịch, thuế quan nào tinh vi đến nỗi người tiêu dùng không thể biết đâu là cá tầm “xịn” đâu là loại không nên ăn. Thế mới lạ! Cũng may, trước sự phản ứng của dư luận, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra nguồn gốc xuất xứ cá tầm bày bán trên thị trường để ngăn chặn tình trạng cá tầm nhập lậu, đồng thời kiểm tra xử lý nghiêm những cơ sở chăn nuôi tiếp tay cho buôn lậu cá tầm. Cơ quan quản lý thị trường Hà Nội cũng đã tuyên bố, sẽ kiểm tra xử lý và tiêu hủy toàn bộ cá tầm bày bán trên thị trường nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Hy vọng, người tiêu dùng sẽ được ăn cá tầm rõ nguồn gốc với chất lượng đảm bảo, an toàn và sẽ không thất thoát thuế cho Nhà nước.