Suối Ea Krông Bông chảy qua địa bàn xã vùng sâu Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh ĐăkLắk bao đời nay được đồng bào các dân tộc ở địa phương sử dụng nguồn nước để ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, ba năm nay, dòng suối này bị một doanh nghiệp (sau này là hộ cá thể) chặn dòng ở đầu nguồn để xây dựng cơ sở nuôi cá tầm trái phép với quy mô lớn.
Đến nay, mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép nhưng cơ sở nuôi cá tầm của ông Nguyễn Văn Toản ở đầu nguồn suối Ea Krông Bông, xã Yang Mao đã được xây dựng khá hoàn chỉnh.
Mặc dù vụ việc xảy ra trong một thời gian dài, ảnh hưởng cảnh quan môi trường, ô nhiễm nguồn nước, gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhưng các ngành chức năng của huyện Krông Bông và tỉnh ĐăkLắk không ngăn chặn ngay từ đầu để đến nay nảy sinh nhiều vấn để khó xử lý.
Cơ sở nuôi cá tầm thương phẩm này được xây dựng trên khu đất nông nghiệp rộng 1,2 ha nằm giữa hai dòng suối Ea Krông Bông và Ea Toong thuộc buôn Hằng Năm, xã Yang Mao, huyện Krông Bông. Ban đầu, công trình này do Công ty Cổ phần Yang Hanh địa chỉ tại huyện Krông Bông liên kết với Công ty TNHH MTV Thủy hải sản Trường Toàn địa chỉ tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh hợp tác xây dựng từ khoảng tháng 8-2016.
Trước đó, Công ty Cổ phần Yang Hanh đã có tờ trình xin UBND huyện Krông Bông cho phép xây dựng trang trại nuôi cá nước lạnh tại đây nhưng chưa được đồng ý. Mặc dù vậy, chủ đầu tư vẫn đưa máy móc, nhân công đến đào bới, xây đập tràn ngăn suối Ea Krông Bông và thi công nhiều hạng mục công trình.
Đến tháng 11-2016, hai công ty này đã chấm dứt hợp đồng liên kết. Công trình nuôi cá tầm này được ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy hải sản Trường Toàn mua lại và tiếp tục đầu tư xây dựng. Ông Toản cũng đã làm tờ trình xin UBND xã Yang Mao cho phép xây dựng cơ sở nuôi cá tầm thương phẩm theo hình thức hộ cá thể, mặc dù không được đồng ý nhưng công trình vẫn tiếp tục được thi công, như: xây một đập dâng kiên cố bằng bê-tông dài 20m chắn ngang dòng suối Ea Krông Bông (khu vực đầu nguồn), 200m kênh bê tông dẫn nước từ đập dâng vào ô nuôi cá và hàng chục bể nuôi cá…
Do chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi mà xả trực tiếp ra suối nên việc nuôi cá đã gây mùi hôi tanh khiến người dân ở một số buôn thuộc hạ lưu suối Ea Krông Bông, xã Yang Mao lâu nay vẫn sử dụng nguồn nước từ dòng suối này trong sinh hoạt bức xúc, phản ánh lên các cấp có thẩm quyền.
Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện cơ sở nuôi cá tầm này có hàng loạt sai phạm, như: xây dựng trên địa bàn chưa được quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản; thiếu phương án bảo vệ môi trường; không có biện pháp phòng chống lũ; chưa có chủ trương, cấp phép xây dựng cơ sở nuôi cá tầm…
Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao Trần Mậu Quyết cho biết, khi phát hiện công trình xây dựng nuôi cá tầm trái phép trên địa bàn, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã và các bộ phận liên quan đã nhiều lần đến kiểm tra nhưng không gặp được chủ đầu tư mà chỉ có công nhân nên xã không biết cách nào xử lý, ngăn chặn.
Do không có biện pháp ngăn chặn, xử lý cơ sở nuôi cá tầm xây dựng trái phép này nên vào giữa năm 2017, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông đã ký quyết định kỷ luật Bí thư Đảng ủy xã Trần Mậu Quyết và Chủ tịch UBND xã Yang Mao, Y Drai Mdrang với hình thức khiển trách, do đã buông lỏng quản lý để doanh nghiệp chặn suối nuôi cá tầm.
Bên cạnh đó, UBND huyện Krông Bông cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với cơ sở nuôi cá tầm của ông Toản. Đồng thời, yêu cầu ông Toản dừng thi công các hạng mục công trình và phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Nguyễn Văn Toản không khôi phục lại hiện trạng ban đầu mà còn đầu tư xây dựng cơ sở nuôi cá tầm này ngày càng hoàn thiện hơn. Đến thời điểm hiện nay, ông Toản đã xây dựng được 36 bể nuôi cá, mỗi bể rộng 200 m2 và đã thả nuôi khoảng 18.000 con cá tầm. Ngoài ra, ông này còn xây dựng dọc hai bên dòng suối Ea Krông Bông và suối Ea Toong hai đập chắn nước kiên cố để phòng chống lũ lụt tràn vào khu vực nuôi cá.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ khu đất rộng 1,2 ha xây dựng cơ sở nuôi cá tầm này là của gia đình ông A Ích, trú tại buôn Hằng Năm, xã Yang Mao được Công ty Cổ phần Yang Hanh mua lại từ khoảng tháng 7-2016. Khu đất này là bãi bồi của hai dòng suối Ea Krông Bông và Ea Toong nên người dân chỉ trồng trỉa ngô, đậu trong mùa mưa, còn mùa khô thì bỏ hoang. Sau khi Công ty Cổ phần Yang Hanh mua và chuyển nhượng diện tích đất này lại cho ông Nguyễn Văn Toản, đến nay ông Toản đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo ông Toản, việc xây dựng đập tràn tại dòng suối Ea Krông Bông không hề làm ảnh hưởng đến dòng chảy cũng như thiệt hại hoa màu của người dân, ngược lại còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân qua bên kia suối sản xuất. Hiện nay, cơ sở đang xây dựng hồ xử lý chất thải nuôi cá, đồng thời tạo điều kiện cho khoảng 10 lao động tại địa phương có việc làm ổn định với mức thu nhập hơn năm triệu đồng/tháng.
Để bảo đảm nước sinh hoạt cho các hộ dân ở hạ lưu suối Ea Krông Bông và Ea Toong vốn lâu nay vẫn sử dụng, trong thời gian tới, chủ cơ sở nuôi cá tầm này sẽ đầu tư đào năm giếng nước sinh hoạt cộng đồng tại năm buôn đồng bào dân tộc thiểu số của xã Yang Mao để bà con sử dụng, không phải sử dụng nước sông, suối trong sinh hoạt như lâu nay nữa.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long cho biết, trong thời gian qua, mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép mà doanh nghiệp và hộ cá thể đã tự ý tiến hành xây dựng cơ sở và nuôi cá là sai phạm, ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc trong nhân dân địa phương.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương kiểm điểm do buông lỏng quản lý để chủ cơ sở nuôi cá tầm vi phạm việc chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chặn suối Ea Krông Bông, xây dựng cơ sở nuôi cá trái phép, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân… Do không ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu nên đến nay, chủ cơ sở nuôi cá tầm này đã đầu tư nguồn kinh phí lớn để xây dựng hệ thống chăn nuôi khá hoàn chỉnh. Vì vậy, huyện đang xin ý kiến của tỉnh để xử lý.
Về phía huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Bông đồng ý chủ trương cho cơ sở nuôi cá tầm này hoạt động, nhưng chủ cơ sở này phải bổ sung đầy đủ hồ sơ, thủ tục liên quan đến công trình theo đúng quy định của pháp luật, nhất là chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thủ tục về xây dựng, môi trường, bảo đảm không chặn suối Ea Krông Bông, bảo đảm môi trường và phải được sự đồng ý của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh ĐăkLắk, vì Yang Mao là xã An toàn khu.
Trước sự việc đã rồi, ngày 2-5-2018, UBND tỉnh ĐăkLắk cũng đã ban hành Văn bản số 3402/UBND-NNMT ủng hộ việc đầu tư nuôi cá tầm của ông Nguyễn Văn Toản theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường ĐăkLắk. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch – Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư dự án nuôi cá tầm theo đúng trình tự quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc này, Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh ĐăkLắk Nguyễn Văn Thảo cho rằng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ĐăkLắk cũng đã có văn bản góp ý về dự án nuôi cá tầm của ông Nguyễn Văn Toản tại xã Yang Mao. Theo quy hoạch ngành được UBND tỉnh ĐăkLắk phê duyệt cuối năm 2014 thì huyện Krông Bông đã được quy hoạch nuôi cá nước lạnh gồm cá tầm, cá hồi tại hai xã Cư Đrăm và Hòa Lễ, còn xã Yang Mao không nằm trong vùng quy hoạch. Vì vậy, cần phải điều chỉnh, bổ sung xã Yang Mao vào vùng quy hoạch để phát triển thủy sản thì mới phù hợp.
Đối với quy mô đầu tư, cần xem xét bổ sung các hạng mục công trình thiết yếu như hệ thống công trình cấp nước, hệ thống thoát nước và hệ thống xử lý nước thải, đồng thời cần tính toán lại tổng diện tích của dự án.
Bên cạnh đó, cần làm rõ việc xử lý nước thải, chất thải rắn trong quá trình sản xuất của dự án đối với môi trường, bởi dự án nằm ở đầu nguồn của suối Ea Krông Bông, nếu không xử lý tốt nước thải sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở hạ lưu.
Đập dâng chặn ngang đầu nguồn suối Ea Krông Bông và kênh dẫn nước vào khu vực nuôi cá tầm được ông Nguyễn Văn Toản xây dựng kiên cố.
Nguồn: Nguyễn Công Lý – Báo Nhân Dân (27.11.2018)