Sáng 26/6, ông Đỗ Chí Đoàn (56 tuổi, bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu) cùng những người trong gia đình đi dọn đá, sục bùn tìm kiếm những món đồ giá trị còn sót lại sau trận lũ quét qua cụm dân cư này hai ngày trước.
Ông Đoàn kể, lúc 8h ngày 24/6, thấy nước suối chảy mạnh và đục hơn mọi ngày nên ông lội ngược dòng tìm nguyên nhân. Cùng lúc, ông lấy lưới chặn dòng nước để giữ an toàn cho hơn 10 bể cá tầm.
Nhiều điểm sạt lở ở Lai Châu chưa được khắc phục. Ảnh: Ngọc Thành.
Vừa đảo qua một vòng thì ông Đoàn nghe tiếng ầm ầm như động đất. “Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đã thấy nước lũ ập vào nhà, giật sập bể cá, cuốn trôi toàn bộ đồ đạc. Có điều may mắn là mọi người trong gia đình đều nhanh chân chạy lên quả đồi gần đó thoát thân”, ông Đoàn nói.
Cũng ở bản Chu Va 12, bà Vũ Thị Mai Phương (55 tuổi) giật mình khi nghe tiếng nước suối chảy xiết lúc sáng sớm. Nghĩ sẽ có trận lũ ống ập đến, bà Phương cùng chồng là ông Dương Ngọc Hưng (58 tuổi) vội lấy cột sắt, lưới đi ngăn dòng nước chảy vào hơn 30 bể cá tầm.
Khoảng 8h, bà Phương thấy bùn đất đục ngầu cuồn cuộn theo dòng suối đổ xuống. Hàng xóm xung quanh túa ra la hét, người đi đường vứt xe máy bỏ chạy, kêu cứu. Trong giây lát, bà Phương thấy từng mảng lớn đất đá trên quả núi đối diện nhà đổ ập xuống cùng dòng nước. Bà định quay vào nhà lấy xe máy chạy nhưng không kịp vì lũ ập đến và núi lở nhanh “như sóng thần trên tivi”.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi, động viên bà Vũ Thị Mai Phương sáng 26/6. Ảnh: Xuân Tuyến.
Nhanh chân nhảy lên mỏm đá cao cạnh nhà, bà Phương thoát được dòng nước cuốn, còn người chồng thì bà không nhìn thấy đâu sau tiếng đổ sụp của đất đá. Đến sáng nay 26/6, ông Dương Ngọc Hưng – chồng bà Phương – vẫn mất tích. Nhà chức trách địa phương huy động lực lượng lội dọc suối và các cửa ngõ ra sông để tìm nạn nhân nhưng chưa thấy. “Nhiều khả năng thi thể nạn nhân đã bị cuốn trôi xa vài chục km vì nước chảy rất mạnh”, một cán bộ tìm kiếm nói.
Chủ trại cá tầm “trắng tay”
Ngồi sụp trong một góc nhà hàng xóm, bà Phương mắt đỏ hoe khi người chồng vẫn mất tích, trang trại cá của gia đình nay chỉ còn là nền đất trống hoác. Nữ gia chủ kể, gia đình xây dựng trang trại nuôi cá tầm từ năm 2013 với số vốn ban đầu gần 10 tỷ. Sau nhiều năm, bà mua thêm đất nền mở rộng diện tích nuôi cá với 12.000 m2, hơn 30 bể cá với sản lượng hàng năm gần 80 tấn.
Cá tầm phải nuôi ở chỗ nước sạch nên gia đình bà chọn ven quốc lộ 4D, nơi có dòng suối chảy xiết làm trang trại. “Tài sản chúng tôi vay mượn và vất vả làm lụng trong nhiều năm đã bị cuốn trôi tất cả chỉ trong 10 phút”, bà Phương nói.
Nhiều con cá tầm bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Ngọc Thành.
Đồng cảnh ngộ, hơn 10 bể cá tầm xây bằng bê tông trị giá gần 3 tỷ đồng của gia đình ông Đoàn cũng bị lũ cuốn trôi trong tích tắc. Cả trang trại hơn 3.000 m2 giờ ngổn ngang bùn đất, rác thải.
Lãnh đạo huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết, bốn trang trại nuôi cá nước lạnh trên địa bàn huyện đã bị nước lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại khoảng 130 tấn cá thịt và gần 400.000 cá giống với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.
Mưa lũ trong những ngày qua ở Lai Châu đã khiến 12 người chết, 11 người mất tích và 8 người bị thương; 244 nhà bị lũ cuốn trôi, 68 công trình hư hỏng; trên 800.000 m3 đất, đá sạt lở dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ… Hiện quốc lộ 4D nối huyện Sa Pa (Lào Cai) và huyện Tam Đường (Lai Châu) bắt đầu lưu thông phương tiện sau hai ngày bị mưa lũ chia cắt.