Tập đoàn cá tầm Việt Nam xin kính chào quý khách!
039 777 1 777 - 039 777 2 777
Trang chủ > Tin thị trường
Tin tức & Sự kiện
Những công trình khác biệt của ông chủ cá tầm Việt
Tháng Sáu 28, 2018

“Tôi luôn hướng đến việc trở thành tỷ phú của trải nghiệm, đam mê”, Ông Lê Anh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014 khi nói về niềm đam mê kinh doanh. Lúc đó, ông được biết đến với danh hiệu  “đại gia cá tầm” khi là người đầu tiên nuôi trồng giống cá này thành công tại Việt Nam, cung cấp  nguồn trứng cá tầm vốn luôn được biết đến là sản phẩm quý hiếm và đắt đỏ.

Để có thể trở thành “tỷ phú của những trải nghiệm”, sau thành công với cá tầm, vị doanh nhân sinh năm 1978 cùng nhóm cổ đông tiến bước vào những cuộc chơi  nhiều thử thách hơn như bất động sản nghỉ dưỡng hay gần đây nhất là điện mặt trời.

 

Ông Lê Anh Đức quay về Việt Nam năm 2003 để khởi nghiệp sau nhiều năm trải nghiệm môi trường kinh doanh tại Đông Âu.

Bước chân đầu tiên của ông trong cuộc chơi kinh doanh tại quê hương là tham vọng đưa một nước nhiệt đới như Việt Nam thành một trong những nguồn cung cấp trứng cá tầm (loài cá vốn sống vùng ôn đới) hàng đầu thế giới và xây dựng một thương hiệu “Caviar Made in Vietnam” tuyệt hảo và gần gũi.

Trong suốt 10 năm, ông cùng các cộng sự và đội ngũ chuyên gia tìm tòi, nghiên cứu những hồ nước có dòng chảy lớn và nguồn nước sạch quanh năm, đáp ứng các chỉ tiêu cao nhất về chất lượng nước, môi trường và mật độ nuôi không khác gì với các vùng nước biển Caspian, biển Đen hay hồ Lagoda (Nga). Loài cá xứ lạnh giờ đã có thể sinh trưởng tại một đất nước nhiệt đới, cho thịt và trứng chất lượng cao cùng hương vị tự nhiên.

Với đàn cá 5 triệu con, hơn 2.000 tấn cá thương phẩm dự kiến cung cấp ra thị trường trong năm 2018, và đàn cá cái sẵn sàng cho số trứng vượt xa con số 500 tấn, Tập đoàn Cá Tầm của ông Đức đã ghi tên Việt Nam vào danh sách ít ỏi các cường quốc nuôi và bảo tồn loài cá quý hiếm, giá trị kinh tế cao này. Với triết lý không muốn khoác một lớp áo xa xỉ lên sản phẩm, loại trứng cá tầm do ông Đức sản xuất tại Việt Nam chỉ có giá bằng 25% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.


Với ông Đức, việc kinh doanh cũng là một cuộc chơi để thử thách tài năng và nhiệt huyết, chính vì vậy, sau khi thành công với dự án trứng cá tầm Việt Nam, ông cùng với các cổ đông tiếp tục bước vào một cuộc chơi mới trong lĩnh vực bất động sản.

Năm 2015, Công ty Đầu tư và Xây dựng Vịnh Nha Trang được thành lập và lập tức ghi dấu với một loạt các dự án bất động sản khác biệt, sở hữu những tiện ích độc đáo, tầm cỡ. Nổi bật nhất là Panorama Nha Trang sẽ bàn giao vào đầu năm 2019 và The Arena Cam Ranh đang được triển khai, dự kiến bàn giao cuối năm 2019.

Panorama Nha Trang với hơn 1.000 căn hộ nằm ngay khu vực trung tâm thành phố Nha Trang được biết đến với bể bơi nước mặn vô cực trên tầng 39 có đáy làm bằng kính vòng quanh nóc tòa tháp hình elips.

The Arena lại là dự án nghỉ dưỡng – giải trí  – lễ hội đầu tiên tại Cam Ranh sở hữu đến 34 hạng mục tiện ích. Trong đó ấn tượng nhất là Khán đài mô phỏng đấu trường Colosseum La Mã, Quảng trường Arena có sức chứa 15.000 người, bể bơi dài hơn 500m, phố đi bộ – ẩm thực, sân khấu nhạc nước miễn phí dọc đại lộ Nguyễn Tất Thành, bến du thuyền đẳng cấp… Dự án có 4 tòa tháp condotel, quy mô 25ha trải dài trên Bãi Dài (Cam Ranh) cộng bể bơi thuộc hàng dài nhất Việt Nam.

Các dự án nghỉ dưỡng của Công ty Vịnh Nha Trang mang dấu ấn khác biệt nữa là có sự góp mặt của đơn vị kiểm toán nằm trong Nhóm BIG4 sẽ góp phần mang đến một mô hình vận hành minh bạch cho thị trường.

Sau những dấu ấn trong lĩnh vực trứng cá tầm và bất động sản, ông Đức cùng nhóm cổ đông sáng lập Tập đoàn Cá Tầm bước sang mục tiêu tiếp theo là đầu tư xây dựng một nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận với tổng số vốn 1.200 tỷ đồng. Chia sẻ về quyết định đầu tư, ông cho biết: “Điện mặt trời là dự án kết hợp được 2 niềm yêu thích của tôi là khoa học tự nhiên và những thách thức mới”.

Đánh giá điện mặt trời là tương lai của năng lượng Việt Nam, tuy nhiên doanh nhân này cũng cho biết, để đạt đến điều đó sẽ cần phải vượt qua 4 thử thách quan trọng nhất là sử dụng đất hiệu quả, ổn định lưới điện, đảm bảo sự “xanh” của dự án, và cuối cùng là trách nhiệm với cộng đồng. Ở dự án điện mặt trời đầu tiên triển khai, ông chủ Tập đoàn Cá Tầm cũng đặt ra đề bài là phải giải 4 bài toán trên một cách hiệu quả nhất.

Ông cho biết, trong giai đoạn một của dự án, đơn vị này cũng thí điểm khoảng 5000 m2 làm điện mặt trời kết hợp nông nghiệp để cùng bà con địa phương canh tác các loại như măng tây, hành, tỏi. “Nếu mô hình thành công thì sẽ đạt được nhiều mục đích là làm điện mặt trời, nông nghiệp với diện tích đất tiết kiệm”, ông nói. Để thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, ban lãnh đạo công ty cũng quyết định bỏ ra 1,5% doanh thu phát điện hàng năm để đầu tư vào các công trình an sinh, xã hội tại địa phương.

Nhà máy điện mặt trời sẽ có tên gọi Phước Hữu và đặt tại thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận khởi công ngày 30/6 tới và dự kiến đi vào hoạt động từ từ quý I/2019, sản lượng điện năm đầu tiên đạt 104,130 triệu kWh.

Chọn trở về Việt Nam lập nghiệp sau nhiều năm kinh doanh tại nước ngoài, quyết tâm chọn những hướng đi khác biệt và đã có những thành tựu được thị trường ghi nhận, vị doanh nhân 7X chia sẻ đó là những trải nghiệm đáng giá nhất đối với ông.

Ngọc Lan (Theo VNE)