Tập đoàn cá tầm Việt Nam xin kính chào quý khách!
039 777 1 777 - 039 777 2 777
Trang chủ > Tin hoạt động & Sự kiện của CTVN
Tin tức & Sự kiện
Vào vương quốc của cá tầm Việt Nam
Tháng Hai 5, 2018

Với những ưu thế về địa lý, đặc điểm khí hậu, điều kiện môi trường, nhiều hồ thủy điện ở Tây Bắc và Tây Nguyên đã rất phù hợp cho nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản nước lạnh trong đó có cá tầm. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm vừa qua tại các hồ thủy điện đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới.

Cá tầm Beluga được nuôi tại hồ thủy điện Đa Mi

Vua của các loài cá

Cá tầm có giá trị rất cao, nhất là trứng cá tầm (caviar) rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Đặc biệt là trứng cá đen của cá tầm Nga được biết đến như một loại “ngọc trai” đen vô giá và là một trong 10 sản vật quý hiếm của thế giới. Bên cạnh đó, thịt và sụn cá tầm đặc biệt giàu DHA, đây là nguồn dinh dưỡng tự nhiên quý giá và nguồn lợi cá tầm tự nhiên đang ngày một cạn kiệt.

Tại Việt Nam, cá tầm được Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đưa vào nuôi từ năm 2007 với những nỗ lực nhằm khai thác nguồn lợi thủy sản nước lạnh tại các hồ thủy điện miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Sau 10 năm, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã phát triển được 5 cơ sở nuôi trồng tại Việt Nam gồm: Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Định, Đắk Lắk và Sơn La, tổng diện tích nuôi trồng khoảng 80.000m2 mặt nước với 3 triệu con cá tầm. Năm 2018, đơn vị này sẽ tiếp tục triển khai thêm 2 dự án tại Lạc Dương (Đà Lạt) và Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) cũng như tiếp tục mở rộng hồ nuôi Đa Mi (Bình Thuận), Đắk Lắk cùng Sơn La tăng gấp 2 lần diện tích nuôi trồng mặt nước, đưa tổng diện tích mặt nước nuôi trồng lên 160.000m2 và 5 triệu con cá tầm.

Theo ông Nguyễn Văn Khải – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tầm Long Đa Mi cho biết: “Hiện sản lượng cá thương phẩm của toàn tập đoàn đạt trên dưới 1.000 tấn/năm, cá cái sẵn sàng cho trứng khoảng 500 tấn. Riêng tại hồ thủy điện Đa Mi chúng tôi đang có gần 200 lồng vuông và hơn 100 lồng tròn với tổng diện tích mặt nước nuôi cá là 27.000m2với khoảng 800.000 con cá tầm, dự kiến năm 2018 sau khi mở rộng diện tích nuôi số lượng cá sẽ tăng lên 1,5 triệu con”.

Vào vương quốc cá tầm:

Vượt khoảng hơn 120km từ sân bay Liên Khương (Lâm Đồng), chúng tôi có mặt tại hồ thủy điện Đa Mi, nơi giáp ranh giữa huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) và TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng). Khí hậu Đa Mi mát mẻ không khác gì Đà Lạt, đây chính là lý do để con cá tầm từ Nga, châu Âu đến sinh sống ở những hồ nước mát lạnh như thế này tại Việt Nam.

Lòng hồ thủy điện Đa Mi (Bình Thuận) có diện tích khoảng 700ha, với lợi thế khí hậu quanh năm mát mẻ, cá tầm được nuôi ở hồ Đa Mi của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam phát triển rất tốt, không có dịch bệnh bởi nhiệt độ nước hồ luôn ở dưới 20oC, xung quanh lòng hồ không có hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như tác động của dân cư (chỉ có hơn 10 hộ dân sống xung quanh khu vực lòng hồ). Cùng với đó diện tích nuôi trồng hiện nay của Công ty Cổ phần Tầm Long Đa Mi chỉ chiếm 2,5ha/700ha diện tích mặt nước, vì thế môi trường nước hồ luôn sạch và không chịu tác động của các chất xả thải do sản xuất công nghiệp và đời sống dân sinh mang lại.

Cá tầm nuôi ở hồ thủy điện Đa Mi hiện có khoảng 800.000 con, sau 1,5 năm là có thể xuất bán với trọng lượng trung bình từ 3-5 kg/con. Mỗi tháng Công ty Tầm Long Đa Mi xuất khoảng 10 tấn cá với giá trung bình là 280.000 đồng/kg. Hàng ngày các nhân viên kỹ thuật của công ty phải kiểm tra trọng lượng, cũng như sức khỏe của cá. Có thể nói, quy trình nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, an toàn với sức khỏe của công nhân và người tiêu dùng. Đặc biệt, tập đoàn không dùng hormone hay chất kháng sinh với đàn cá mình nuôi, và xây những bể nuôi lớn nhưng thả ít cá để giảm mức độ căng thẳng của chúng và tăng chất lượng trứng nhằm tạo dựng tên tuổi cho sản phẩm trứng cá tầm Việt Nam.


Hồ thủy điện Đa Mi có diện tích gần 700ha, nhưng khu nuôi cá tầm chỉ sử dụng khoảng 2,5ha mặt nước. Mỗi lồng cá tầm được thiết kế rộng khoảng 50m2 và có độ sâu chừng 5m. Với độ lạnh của hồ Đa Mi chỉ nuôi được cá thương phẩm và phát triển cá mẹ để đem lên Đà Lạt sản xuất trứng. Để đảm bảo về môi trường nước, mỗi lồng cá ở Đa Mi nuôi khoảng 500 con. Cá lớn dần được tách ra từng lồng để đảm bảo mật độ đáp ứng cho yêu cầu tăng trưởng từng giai đoạn của con cá.Bằng việc nuôi trong nguồn nước sạch, sử dụng thức ăn tự nhiên và nhập khẩu trực tiếp từ các tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp giải pháp dinh dưỡng bền vững và cải tiến cho ngành thủy sản, cá tầm thương phẩm của tập đoàn có chất lượng sánh ngang với cá tầm đánh bắt ngoài thiên nhiên.

Từng bước chiếm lĩnh thị trường

Hiện sản lượng cá tầm của tập đoàn vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường trong nước, tập đoàn đang từng bước mở rộng diện tích nuôi, để chuẩn bị cho giai đoạn này, ngay từ đầu thành lập, tập đoàn xác định phải từng bước làm chủ con giống. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nga và sự nỗ lực của các kỹ sư thủy sản giàu kinh nghiệm, trại ươm giống của tập đoàn tại đập tràn hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng), cá tầm của tập đoàn đã ấp nở và làm giống thành công. Đây là yếu tố then chốt để Tập đoàn Cá tầm Việt Nam “đánh bật” cá tầm nhập lậu của Trung Quốc tại miền Nam và bắt đầu ra thị trường miền Bắc.

Theo bà Ngô Thị Kim Phụng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam – đơn vị có nhiệm vụ lai tạo giống của tập đoàn cho biết: “Những con cá tầm đạt từ 8 năm tuổi trở lên được nuôi trong điều kiện chăm sóc đặc biệt mới có thể cho trứng. Ngoài sản phẩm trứng cá tầm mang thương hiệu Caviar de Đuc của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các hệ thống khách sạn 5 sao tại Việt Nam cũng như đã được xuất khẩu sang một số thị trường quốc tế như Singapore, Nhật, Pháp…, đặc biệt là xuất ngược lại Nga, đất nước vốn được xem là quê hương của loài cá tầm, hiện trại giống Đà Lạt hàng năm sản xuất từ 1,5-2 triệu con giống cung cấp cho các hồ nuôi thương phẩm trong cả nước.

Từ nguồn cá giống tại Đà Lạt được chuyển đi các hồ nuôi thương phẩm, sau quá trình siêu âm chọn lọc cá cái, quy trình nuôi cá cái lên trứng đen, các hồ nuôi thương phẩm nói trên sẽ chuyển cá cái mang trứng lên Đà Lạt. Do tự chủ được nguồn cá giống nên đã giúp tập đoàn tiết kiệm được khoảng 60% chi phí so với nhập khẩu cá giống từ nước ngoài.

Cá tầm cái mang trứng sẽ chuyển sang giai đoạn trú đông với nhiệt độ nước dưới 10oC nhằm tiêu mỡ và cho nguồn trứng cá chất lượng hơn (trứng to, cứng). Thời gian này kéo dài từ 1-2 tháng phụ thuộc vào việc thăm kiểm tra chất lượng trứng. Sau khi trải qua quá trình trú đông nhân tạo và qua sự kiểm tra nghiêm ngặt, những con cá nào có chất lượng trứng tốt sẽ sử dụng để khai thác caviar – trứng cá tầm đen. Hiện trứng cá tầm chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài với sản lượng trứng cá chỉ vài tấn/năm.

Thực tế, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã đạt những mốc phát triển đàn cá làm thay đổi cả cơ cấu nuôi trồng thủy sản Việt Nam, năm 2014 đạt sản lượng 400 tấn cá thịt và 4,8 tấn trứng; năm 2017 đạt trên 1.000 tấn cá thịt và cá cho trứng khoảng 500 tấn. Năm 2018 dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 tấn cá thương phẩm và tiếp tục gia tăng sản lượng đàn cá trứng.

Song Hà

http://kinhtevn.com.vn/vao-vuong-quoc-cua-ca-tam-viet-nam-30974.html